Canh trời giữ biển theo cách Viettel (P1)

Canh trời giữ biển theo cách Viettel (P1)

TP - Ngày đẹp trời mới đây tôi may mắn được... lạc vào một cơ ngơi của “ông lớn” Viettel. Thi sĩ Hồng Thanh Quang vốn quen thuộc chốn này có người nhà (vợ) ở Viettel thế mà chả giấu được ngạc nhiên, quay sang tôi, buông gọn lỏn một từ: Khủng!

Made in Viettel

Trụ sở Tập đoàn Viettel trước ở Giang Văn Minh, Ba Đình (Hà Nội) vừa mới chuyển về khu vực Mỹ Đình thì nhiều người rành, nhưng cơ ngơi Viện Nghiên cứu& Phát triển của Viettel thì tọa lạc ở một vị trí hơi bị khuất nẻo...Một năm rưỡi, vâng Viện ấy mới thành lập ngày 12/9/2011 thôi mà đã chế ra bao thứ khủng như Hồng Thanh Quang từng nắc nỏm.


Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Phát triển Viettel, thượng tá Nguyễn Đình Chiến (thứ 2 trái sang) đang giới thiệu các thiết bị.

Trước khi lang thang trong căn phòng rộng thênh của cơ ngơi ấy, tôi biên kỹ câu giới thiệu của Viện trưởng, thượng tá Nguyễn Đình Chiến vào sổ tay:

Viettel đủ năng lực đáp ứng hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Sửa chữa nâng cấp và sản xuất các chủng loại thiết bị điện tử viễn thông quân sự và dân sự.

Hóa ra Viettel không chỉ có mạng viễn thông cùng là máy di động này khác!

Nhưng hút mắt vẫn là rada. Đài rada bắt sóng thấp đề - xi - mét. Tôi không được phép chép ra đây những thông số, tính năng tác dụng khiến thế hệ cha anh phát... thèm, vì bí mật quân sự. Cũng như các thiết bị khác như xe ăng - ten rada P18, P19. Rồi khủng hơn, như thiết bị rada cảnh giới 3D băng S; rada cảnh giới bờ biển; thiết bị sonar cảnh giới dưới nước...

Đứng trước thiết bị quản lý vùng trời VQ, các ký giả dường như hơi bị choáng? Choáng không phải là cảm giác những lần may mắn được lọt vào Sở chỉ huy phòng không nào đó.

Những thiết bị này đang thông tuệ và cần mẫn từng giây từng phút để Tổ quốc không bị bất ngờ trước một cuộc chiến tranh điện tử nào đó!

Trực tiếp ngắm ngó các cô báo vụ tóc tết đuôi sam (mốt của những năm bảy mươi) mồ hôi rịn bết mớ tóc, còn bên thái dương tai đeo cáp nghe, mắt các cô gần như không chớp, tay cầm chì đỏ, liên tục vạch những gạch đỏ trên tấm mica để nối mục tiêu. Miệng liên tục thông báo các thông số về tọa độ, độ cao... Các trận địa tên lửa phòng không tiếp nhận những tín hiệu ấy tùy cơ xử lý!

Biết bao những vất vả nhiêu khê cùng bất an, nguy hiểm của những người lính rada thời chống Mỹ? Và nữa, hiệu suất tác chiến đâu có được như mong muốn? Thế hệ cha anh của bộ đội rada của Phòng không Không quân từng vít cổ những Thần sấm ( F105), Con ma (F4), Giặc nhà trời (AD6) và Pháo đài bay B52 hẳn chẳng ngại ngần gì buông câu con hơn cha nhà có phúc để chỉ những thiết bị phát hiện mục tiêu ưu việt do những người lính kỹ thuật Viettel chế ra. Những thiết bị này đang thông tuệ và cần mẫn từng giây từng phút để Tổ quốc không bị bất ngờ trước một cuộc chiến tranh điện tử nào đó!



Mặt tiền của Viện Nghiên cứu & Phát triển Viettel.

Thốt nhiên dậy lên một cảm giác rân rân trong người khi nghĩ về các cô báo vụ kiêm đánh dấu đường bay cùng các trắc thủ rada vạch nhiễu tìm thù ngày ấy khi tôi đang đứng trước một màn hình trong văn vắt nhỏ hơn mặt cái tivi 30 inch.

Khoảng trời chủ quyền quốc gia thân yêu bao la cùng những vùng phụ cận nhấp nháy các tín hiệu của các loại tàu bay dân dụng đương thư thả (ngó thong thả vậy nhưng đang vun vút với tốc độ 900 cho đến 1.200 km/h ở độ cao trên 10 ngàn feet Và đâu đây những chấm sáng đỏ của các loại máy bay quân sự bay tập.

Khoảng trời bình yên ấy, nói dại mồm, thế lực thù địch nào đó manh tâm gây chiến, nhỡ không may nổi bão giông chiến sự thì từng mục tiêu, ngay tức thì bị những thiết bị điện tử do Viettel chế tạo khóa chặt! Và cũng ngay lập tức, những mục tiêu ấy chỉ bằng động thái nhẹ nhàng như nhấp chuột, được bàn giao cho các đơn vị hỏa lực từ cấp trung đoàn, sư đoàn và cấp quốc gia đương giăng, đương chờ sẵn.

Tôi còn nghe thêm rằng các loại nhiễu tiêu cực tích cực mà bộ óc điện tử của Không lực Hoa Kỳ ngày ấy tác oai tác quái trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, hiện giờ khó mà nhằm nhò gì trước các thiết bị điện tử do người lính Viettel chế ra!

Vùng trời sơ bộ là thế. Còn biển đảo chủ quyền? Biên chép ra đây những thiết bị canh biển giữ đảo có lẽ không được phép. Nhưng tôi cũng may mắn được dò dẫm bên cạnh những thiết bị tạm gọi là giám sát tình trạng kỹ thuật tàu hải quân.

Hệ thống giám sát trinh sát định vị và chỉ thị mục tiêu cho hải đảo. Hệ thống thông tin chỉ huy phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển. Và nhất là thiết bị rada giám sát mặt nước vv... Đã đành là vào đây, thấy lắm sự lạ sự tinh khéo khiến mồm chữ O mắt chữ A.

Nhưng nghe vậy thì chỉ biết vậy. Thứ người trần mắt thịt như cánh ký giả đây nhỡn tiền cũng chỉ loáng thoáng nguyên lý là thiết bị điện tử của Viettel đọc mục tiêu trên trời cũng na ná như trên mặt biển chủ quyền! Nhưng chợt dậy lên cảm giác thêm an lòng thêm vững dạ.

Bỗng như muốn bật kêu “Hỡi các lương dân Việt, trời biển chủ quyền Tổ quốc đang được những cặp mắt thần ngày đêm canh giữ!” Nhưng câu ấy cũ rồi, giờ có lẽ phải thêm cụm từ hệ thống mắt thần đa năng và hữu hiệu thì mới tạm chính xác?

Cũng được nghe thoáng qua một thiết bị khủng khác, thiết bị điều khiển tổ hợp năng lượng tàu chiến loại hiện đại nhất của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Tự tin hơn

Bạn đọc nên nhớ, những thiết bị khí tài phòng vệ và tấn công ấy, các nước Phương Tây, Âu, Mỹ, chả hạn như NATO rồi Nga, xa hơn là khối Vacsava đã có. Nhưng điều độc đáo và đáng nói ở đây là nó rơi vào tay Viettel sẽ phải khác! Tại sao khác? Cái câu cao nhân tắc hữu cao nhân trị phải được hiểu ở đây nôm na thế này: Người giỏi chế ra thứ vũ khí tài khéo thì cũng biết cách vô hiệu hóa nó khi lọt vào tay đối phương!

Vậy nên có thể đi mua (nếu nhiều tiền và bằng một giá rất đắt) nhưng nhiêu khê oái oăm là liệu có an tâm mà sử dụng dài dài khi bí quyết lại nằm trong tay người khác?

Sẽ phải khác vì chủ quyền quốc gia, vì xương máu người lính. Những bộ óc Viettel ấy từng hào phóng dân chủ với khách hàng ấy là nói theo cách của bạn! Nhưng trong lĩnh vực này đã làm theo cách của mình để tạo ra bản quyền và độ bảo mật cao của riêng Viện nghiên cứu& Phát triển Viettel.



Tổ quốc trong tầm tay.

Không phải sẽ mà đã và đang khác. Ngoài tính bảo mật cao những sản phẩm điện tử viễn thông quân sự và dân sự của Viện chế tạo đã và đang phát huy thế mạnh canh trời giữ biển, đồng thời tiết kiệm khá nhiều ngoại tệ. Đến năm 2015, Viện Nghiên cứu& Phát triển Viettel sẽ phấn đấu đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD.

Có vào đây mới thấy thấm thêm, những thiết bị thông tin cồng kềnh nặng cả vài chục ký, cả tạ của các cuộc chiến tranh vệ quốc trước đây, nay được những bộ óc Viettel cải hoán sao đó để nó chỉ thu gọn diện tích vài kilôgam hoặc bé gọn như những cuốn sổ lại phong phú thêm về chức năng hiệu quả sử dụng.

Viện trưởng Chiến cũng chia sẻ cảm giác của Trung tướng Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel lần ấy cứ xuýt xoa rằng cả đời ông từng miệt mài với ngành thông tin (vốn là lính của Bộ Tư lệnh Thông tin, rồi tiếp đó phụ trách luôn Tập đoàn Viễn thông Quân đội) nay mới được tận mắt nhìn tận tay sờ những thiết bị thông tin gọn nhẹ với nhiều tiện ích như thế này!

Người ta thường nói nhiều đến cuộc vượt thoát ngoạn mục đến cuộc đổi ngôi ngoạn mục của Viettel. Sau 12 năm tham gia “chợ” viễn thông Việt khi các sạp lớn nhỏ của các ông chủ VNPT, Mobifone, Vinaphone này khác đã giăng đầy “chợ” với 80-85% thị phần. Thế mà Viettel đã “nói theo cách của bạn”, từ vị trí thứ tư vươn lên thứ nhất.

Thầm nghĩ, nghiệp binh như tướng Xuân đây, được can dự vào một cuộc chơi do chính mình bày đặt ra tại Viện Nghiên cứu & Phát triển này. Bày đặt trên cơ sở mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Tối cao quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ trong tác chiến chiến tranh điện tử. Lại cũng do chính mình đôn đốc lao tâm khổ tứ cùng anh em viết nên những dự án táo bạo, những chương độc đáo sáng tạo phần mềm. Để đến hôm nay, hàng chục công trình dự án quân sự và dân sự được quân dân hân hoan chào đón, lại cũng chẳng sướng sao?

Người ta nhắc nhiều đến Viettel đứng đầu trong những doanh nghiệp Việt Nam về nộp ngân sách đến con sốkhủng doanh thu 141.000 tỷ VND năm 2012. Người ta nói nhiều đến hệ thống cáp quang rải đều ở hơn 90% các xã vùng sâu vùng xa. Và nữa, hệ thống hàng trăm ngàn trạm BTS làm nên chất lượng mạng viễn thông của di động Viettel.

Hầu như chả ai nhắc nhớ đến một đơn vị trực thuộc Viettel ấy là Viện Nghiên cứu & Phát triển. Hay cái tên ấy vốn vô thưởng vô phạt nghe đã phát nhàm (mà hầu như bộ, ngành tỉnh, thành nào cũng có?). Hay anh Viettel này vẫn vốn chả mấy khi chú trọng ngó ngàng, chăm bẵm công tác truyền thông? Hoặc cái Viện này thuộc vùng cấm? Chả biết nữa...

(còn nữa)

0 comments: